Triển khai xây dựng và chăm sóc vườn giống Quế chất lượng cao tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, tỉnh Nghệ An

PHO

 Năm 2019, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã phối hợp với Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu chọn giống Quế có năng suất vỏ, hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cho vùng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Đây là đề tài khoa học cấp Bộ thuộc chương trình cải thiện, nâng cao chất lượng giống cây Lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Mục tiêu của đề tài: Chọn được giống quế có năng suất vỏ cao hơn 15%, hàm lượng tinh dầu cao hơn 10% so với trung bình trong sản xuất tại 3 vùng gồm: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; Xây dựng được vườn cung cấp giống đã được cải thiện; Hoàn thiện được biện pháp kỹ thuật trồng, khai thác, sơ chế, bảo quản vỏ quế.

Quế sinh trưởng và phát triển tốt sau 01 năm trồng

Khu BTTN Pù Hoạt được lựa chọn là địa điểm đại diện cho khu vực Bắc Trung Bộ, nơi triển khai thực hiện trồng các mô hình thí nghiệm của đề tài. Tại Khu BTTN Pù Hoạt, đề tài thực hiện trồng khảo nghiệm hậu thế kết hợp làm vườn giống hữu tính được bố trí theo khối hàng, ngẫu nhiên không đầy đủ trên diện tích 5 ha với mật độ trồng 2.500 cây/ha. Vùng khảo nghiệm này được xây dựng từ nguồn giống của 50 cây trội chọn lọc ở 02 tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá (20 cây trội ở Nghệ An và 30 cây trội ở Thanh Hoá). Mỗi gia đình cây trội là một công thức thí nghiệm.

Vườn giống khảo nghiệm này được bố trí để nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật thâm canh cho 02 thí nghiệm: Thí nghiệm về tiêu chuẩn cây con đem trồng với 04 công thức thí nghiệm đối với cây con đem trồng rễ trần và có bầu ở độ tuổi khác nhau; Thí nghiệm về bón thúc với 05 công thức thí nghiệm có lượng phân bón thúc khác nhau.

Một trong những sáng kiến mới khi triển khai thực hiện đề tài đó là các công thức thí nghiệm của rừng trồng Quế được bố trí trồng dưới tán rừng Keo để tạo tán che cần thiết bảo vệ cây Quế con trong những năm đầu, đảm bảo tỷ lệ sống cao và tăng khả năng sinh trưởng của cây Quế. Với sáng kiến này, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định công nhận sáng kiến kinh nghiệm năm 2019.

Phát dọn thực bì cho cây Quế

Thực hiện quy trình của đề tài, năm 2020, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã xây dựng phương án và thiết kế tỉa thưa cây Keo để mở tán che và chăm sóc cây Quế dưới tán rừng. Sau khi được sự đồng ý và phê duyệt của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức chặt tỉa thưa cây Keo để mở tán che, tăng lượng ánh sáng xuống dưới tán rừng nhằm tạo điều kiện cho cây Quế phát triển. Dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo và giám sát của Phòng KH&HTQT, Hạt Kiểm lâm, công tác tỉa thưa rừng Keo đã đảm bảo đúng quy trình, tỷ lệ tỉa thưa được thiết kế và đảm bảo an toàn cho cây Quế dưới tán rừng. Song song với quá trình tỉa thưa, mở tán rừng là quá trình chăm sóc, theo dõi sinh trưởng của cây Quế dưới rừng.

Qua quá trình theo dõi, nghiên cứu đối với sinh trưởng của cây Quế bước đầu cho thấy những kết quả hết sức khả quan, tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao. Với những thành công bước đầu của mô hình khảo nghiệm giống Quế đang mở ra triển vọng xây dựng thành công vườn giống Quế nhằm cung cấp giống tốt trong giai đoạn tới cho khu vực Bắc Trung bộ, tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quế Phong nói riêng, đồng thời bảo tồn những giống Quế tốt hiện có trong vùng. Mặt khác, thông qua những kết quả của đề tài sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để đề xuất quy trình kỹ thuật trồng thâm canh cây Quế nhằm nâng cao năng suất vỏ, hàm lượng và chất lượng tinh dầu Quế đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu hiện nay đang đặt ra.

Nguyễn Văn Sinh

lên đầu trang