Triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật nhân giống loài cây Mú Từn (Rourea oligophlebia Merr) bằng phương pháp kỹ thuật giâm hom”

PHO
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An làm việc với BQL Khu BTTN Pù Hoạt về việc triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật nhân giống loài cây Mú Từn (Rourea oligophlebia Merr) bằng phương pháp kỹ thuật giâm hom”

 Ngày 30/7/2020, tại hội trường BQL Khu BTTN Pù Hoạt, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN thuộc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với BQL Khu BTTN Pù Hoạt để bàn về việc triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật nhân giống loài cây Mú Từn (Rourea oligophlebia Merr) bằng phương pháp kỹ thuật giâm hom”.

Tham gia buổi làm việc, về phía Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN có Đồng chí Nguyễn Quang Huy - Phó Giám đốc; Đồng chí Nguyễn Đăng Quát - Chủ nhiệm đề tài. Về phía BQL Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt có Đồng chí Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc; Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - Phó trưởng phòng KH&HTQT và các đồng chí Trạm QLBVR Na Chạng. Nội dung của buổi làm việc: trao đổi một số thông tin, nội dung liên quan Đề tài và thống nhất phương án, cách thức tổ chức triển khai thực hiện. Đây là chương trình nằm trong nội dung bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Đề tài sẽ được triển khai thí điểm tại vườn ươm Trạm QLBVR Na Chạng thuộc BQL Khu BTTN Pù Hoạt, thời gian dự kiến triển khai từ tháng 08-12/2020.

Toàn cảnh buổi làm việc

Cây Mú Từn có tên khoa học là: Rourea oligophlebia Merr, thuộc họ Khế. Còn được biết đến với tên gọi là cây Cù boong nậu, là một thảo dược kích thích sinh lý được đồng bào người Thái sử dụng từ lâu. Theo tiếng thái “Mú từn” có nghĩa là “Lợn điên”. Cây Mú Từn được tìm thấy tại các tỉnh thành như: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An (Quế Phong: Châu Kim, Mường Nọc, Hạnh Dịch, Châu Thôn, Tri Lễ, Nậm Giải, Nậm Nhóng…), Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Ngoài ra còn được tìm thấy ở Inđônêxia (Sumatra). Theo Đông y, Mú từn có vị hơi chát, tính bình, công dụng bổ can thận, kháng viêm. Theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào người Thái thì cây Mú Từn có một số tác dụng cụ thể như: Kích thích nhu cầu tình dục của nam giới, điều trị đau lưng, liệt dương, yếu sinh lý. Ngoài ra cây Mú Từn còn được biết đến với tác dụng cầm máu tuyệt vời. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội nhu cầu thị trường tiêu thụ khá lớn, việc khai thác quá mức trong rừng tự nhiên đã làm cho giống cây này đang dần cạn kiệt. Hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu về nhân giống cây Mú Từn nhằm bảo tồn và phát triển loài cây dược liệu này.

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Lãnh đạo BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ những thông tin kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu nhân giống của Đơn vị. Từ đó có những đánh giá thuận lợi, khó khăn khi triển khai các hoạt động nhằm thống nhất phương án, cách thức tổ chức triển khai thực hiện. Với mục tiêu cuối cùng là cho ra kết quả xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm hom cây Mú từn.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật nhân giống loài cây Mú Từn (Rourea oligophlebia Merr) bằng phương pháp kỹ thuật giâm hom” nếu thành công sẽ góp phần bảo tồn và phát triển bền vững cho loài này, tạo bước đột phá mới trong khoa học kỹ thuật góp phần đẩy nhanh mục tiêu chuyển đổi phương thức khai thác tự nhiên sang gây trồng sản xuất đại trà cung cấp cho thị trường tiêu thụ và đặc biệt nâng cao chuỗi giá trị nguồn dược liệu, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương.

Văn Mạnh

 

lên đầu trang