Cần xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách chia sẻ lợi ích từ rừng

PHO
Làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban quản ký Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt kiến nghị Trung ương cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho ngành lâm nghiệp.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là đơn vị sự nghiệp về lâm nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích trên 85.231 ha rừng và đất lâm nghiệp được phân bố trên 9 xã của huyện Quế Phong.

Chiều 18/9, tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt huyện Quế Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt về góp ý Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Các Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão đồng chủ trì. Tham dự có ông Moong Văn Tình, cán bộ Huyện đoàn Quế Phong, đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV; đại diện các ban, ngành của huyện Quế Phong.

Tại hội nghị cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đề xuất Trung ương cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho ngành lâm nghiệp, đặc biệt là cơ chế về đầu tư và sử dụng nguồn vốn đầu tư trong hạng mục công trình lâm sinh, nghiên cứu khoa học.

Đồng thời Trung ương cần xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách chia sẻ lợi ích từ rừng cho cộng đồng dân cư, nhất là những cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan xem xét phụ cấp ưu đãi ngành Kiểm lâm cho lực lượng viên chức của đơn vị đang công tác tại các Trạm Quản lý bảo vệ rừng và đội Kiểm lâm cơ động.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt báo cáo kết quả hoạt động của đơn vị. Ảnh: Thanh Lê

Kiến nghị với Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng được giao cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

“Toàn bộ diện tích này mới được xác định trên bản đồ mà chưa được cắm mốc thực địa, đặc biệt là mốc ranh giới với các vùng đệm và khu dân cư. Vấn đề này gây khó khăn trong công tác quản lý và thực thi pháp luật bảo vệ rừng. Mặt khác, đơn vị có 8 trạm quản lý bảo vệ rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”- ông Sinh nhấn mạnh.

Trao đổi với Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Sinh cho hay, theo quy định hiện hành về đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt, số lượng công chức, viên chức của đơn vị chỉ mới bố trí được hơn 1/3 quân số theo quy định. Vì vậy, việc thực thi nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Do thiếu nhân lực, mỗi cán bộ phải quản lý diện tích gấp 7-8 lần so với quy định nên đơn vị đang chủ yếu tập trung nhân lực cho nhiệm vụ bảo vệ rừng, còn vấn đề nghiên cứu khoa học còn hạn chế.

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt góp ý vào Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Ảnh: Thanh Lê

Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên phải tuần tra trong rừng ở vùng sâu, vùng xa, các khu vực nhạy cảm biên giới và phải luôn đối mặt với với lâm tặc manh động và liều lĩnh. Tuy nhiên, hiện nay nhà nước vẫn chưa có văn bản nào quy định việc quản lý, sử dụng các phương tiện vũ khí.

Góp ý vào Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng, Ban quản lý rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho rằng tên gọi hiện nay là “Luật Bảo vệ và phát rừng” chưa bao hàm hết nội dung của Luật bởi trong Luật hầu hết là những quy định về Lâm nghiệp, mặt khác nội dung luật này đề cập đến nhiều vấn đề khác ngoài quản lý và bảo vệ rừng nên tên “Luật Bảo vệ và phát rừng” không còn phù hợp.

Tại khoản 3, Điều 19 về Nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng quy định: “Chủ rừng được Nhà nước giao, cho thuê rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư không được tổ chức, cá nhân khác thuê lại những diện tích rừng đó”.

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì quy định này xét về mặt quản lý nhà nước tổng thể là đúng và phù hợp. Tuy nhiên, trong thực tế các khu vực có tiềm năng về khai thác du lịch, dịch vụ ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên thường gắn với cảnh quan thiên nhiên với rừng.

Việc đầu tư khai thác du lịch, dịch vụ của các nhà đầu tư thường phải gắn với rừng và đất rừng. Như vậy với quy định này sẽ khó khăn nhất định cho các chủ rừng để khai thác các dịch vụ, du lịch. Vì vậy, Luật cần có quy định mở đối với những đối tượng này.

Ý kiến của đơn vị cho rằng, Luật cần có quy định cụ thể và thống nhất về hệ thống tổ chức quản lý của các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Thực tế hiện nay, hệ thống tổ chức quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên chưa thực sự thống nhất.

Ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận ý kiến góp ý của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Ảnh: Thanh Lê

Hiện nay các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đang tồn tại một lực lượng viên chức rất lớn được bố trí vào Hạt Kiểm lâm và làm nhiệm vụ Kiểm lâm viên. Các đại biểu băn khoăn vậy lực lượng này sẽ xử lý như thế nào khi Luật được ban hành và có hiệu lực?

Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt., đồng thời trả lời, giải trình làm rõ những ý kiến cử tri Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt quan tâm.

Liên quan đến các ý kiến góp ý, kiến nghị của đơn vị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ có kiến nghị gửi đến các cơ quan, ban, ngành liên quan về tại các diễn đàn của Quốc hội, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng./.

Kim Oanh

Nguồn - Thanh Lê

lên đầu trang